Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Chọn lớpLớp 1Lớp 2Lớp 3Lớp 4Lớp 5Lớp 6Lớp 7Lớp 8Lớp 9Lớp 10Lớp 11Lớp 12 Lưu và trải nghiệm
Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Chọn lớpLớp 1Lớp 2Lớp 3Lớp 4Lớp 5Lớp 6Lớp 7Lớp 8Lớp 9Lớp 10Lớp 11Lớp 12 Lưu và trải nghiệm
Mỗi chuyến đi đều mang lại cho chúng ta rất nhiều trải nghiệm mới mẻ, có những chuyến đi khiến con người được trở về với thiên nhiên, có những chuyến đi khiến ta tìm lại bản thân mình sau những ngày tháng học tập, lao động mệt mỏi, nhưng với tôi, ấn tượng nhất chính là những chuyến đi tìm về cội nguồn dân tộc, đó là những lần tôi được đến thăm những di tích lịch sử, văn hóa của đất nước. Một trong số những chuyến đi khiến lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc tự hào về quê hương, nguồn cội chính là lần tôi được đi thăm đền Gióng vào mùa xuân năm ngoái.
Tết đến xuân về là lúc gia đình sum họp, đoàn viên, bên cạnh đó, đây cũng là dịp mỗi gia đình cùng nhau có những chuyến tham quan du lịch gắn kết tình cảm. Gia đình tôi cũng vậy, năm nay, nhà tôi có đông đủ mọi người nên tổ chức đi đền Gióng để cầu mong sức khỏe, an lành, hanh thông cho một năm mới nhiều hi vọng. Thông tin chuyến đi đến mọi người trong nhà làm ai cũng háo hức. Cách chuyến đi một ngày, mọi thành viên trong gia đình đã chuẩn bị đầy đủ đồ lễ thiết yếu, bà tôi cùng mẹ tôi và một số cô, dì chuẩn bị thêm đồ ăn. Tôi cũng đã đi tham quan nhiều nơi, nhưng không hiểu sao chuyến đi này với tôi lại thích thú đến lạ, có lẽ bởi tôi đã từng được học truyền thuyết Thánh Gióng khi còn là một cô bé học sinh lớp 6, nên chuyến đi này tự nhiên thấy gần gũi và thân quen.
Như dự kiến, chuyến đi bắt đầu từ lúc 5h30 sáng. Khu di tích lịch sử Đền Gióng nằm ở núi Vệ Linh (hay còn gọi là núi Sóc) thuộc thôn Phù Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chỉ cách nhà tôi khoảng 30 km. Đường đi tương đối dễ, chỉ có điều địa hình nhiều dốc. Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho tôi cảm giác thích thú, có phần hồi hộp mong chờ. Những nụ tầm xuân nở ra nhỏ bé nhưng biếc xanh, mạnh mẽ vươn lên. Không khí Tết, cờ hòa vẫn ngập tràn khắp những con đường đến khu di tích. Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành. Chỉ sau khoảng hơn 30 phút đi xe, gia đình tôi đã nhìn thấy biển chỉ dẫn đến khu di tích, Cả gia đình xuống xe và bắt đầu chuyến tham quan.
Điểm khám phá đầu tiên của gia đình chính là đền Hạ, đây là đền ngay từ cổng đi vào, là nơi đặt tượng thờ Sơn thần, đây là khu đền nhỏ với mái ngói và những tấm của son màu đỏ, sân gạch, giữa sân đặt một lư hương. Bên cạnh đền là hồ nước xanh biếc với gốc đa cổ thụ, dưới gốc đa thờ linh vật bằng đá. Bước vào trong đền, có thể thấy bức tượng được đúc hoàn toàn từ đồng, nặng 7 tấn với phong thái vô cùng uy nghi. Dấu vết rêu phong đã phủ lên khung cảnh làm sự linh thiêng lan tỏa. Ai trong đoàn cũng dễ dàng cảm nhận được.
Rời đền Hạ, gia đình tôi tiếp tục cuộc hành trình thăm quan, men the con đường lát gạch men đỏ, điểm dừng chân tiếp theo chính là chùa Đại Bi. Mấy đưa nhỏ cháu tôi khuôn mặt trong veo, ngơ ngác trước cảnh vật trong khu di tích, có lẽ đó là lần đầu tiên chúng nhìn thấy những khung cảnh khác xa so với cuộc sống ồn ào nơi thành phố của chúng hằng ngày. Chẳng mấy chốc đã đến chùa Đại Bi, đó là một ngôi chùa nhỏ với kiến trúc vô cùng độc đáo, cửa phủ sơn đỏ, mái vòm uốn cong rồi vút lên trời xanh đẹp mắt. Bước vào chùa, đoàn tiến hành làm lễ, bên trong chùa, những bức hoành phi, câu đối được sơn son, thiếp vàng lộng lẫy đã tạo cho ngôi chùa vẻ trang trọng và uy nghiêm.
Từ chùa Đại Bi, gia đình tôi di chuyển tiếp sang đền Mẫu, đây là nơi thờ Mẹ Thánh Gióng, đây là ngôi đền nhỏ giản dị nhưng được đầu tư chạm khắc tinh sảo, bên trong đền là tượng Mẫu với vẻ mặt hiền từ, khoan dung nhân hậu khiến mỗi người trong đoàn đều không thể rời mắt nổi, bên ngoài đền mẫu là giếng Mẫu với màu nước xanh ngắt. Đi thêm một đoạn ngắn, tôi đến đền Thượng. Con đường dẫn vào Đền Thượng có nhiều tượng đá nhỏ tạc những hình hươu, nai, ngựa…, những rặng thông già có “tuổi đời” hàng trăm năm tuổi, những lùm cây cổ thụ đứng nghiêm trang làm cho khung cảnh Đền Thượng trở nên thêm phần tôn kính.Trước cửa Đền Thượng có đôi ngựa gỗ, đây là đôi ngựa tượng trưng cho ngựa sắt khi Thánh Gióng đánh đuổi quân thù. Trong đền có nhà Đại Bái và Hậu cung, nhà Đại Bái được trang trí bằng nhiều câu đối, lọng vàng, lọng tía, đôi hạc …Đến đây rồi, mọi thành viên trong đoàn mới thực sự cảm nhận được không khí uy nghiêm, trang trọng của khu di tích, ai cũng thành kính lễ bái mong năm mới thuận hòa, bình an.
Địa điểm tham quan đáng mong chờ nhất trong toàn bộ khu di tích với gia đình tôi chính là Tượng đài Thánh gióng. Đến tận nơi mới biết đây là một tượng đài khổng lồ, theo như tôi được biết đây chính là một trong số những công trình tiêu biểu chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hình tượng thánh gióng đang cưỡi ngựa bay về trời được đúc bằng đồng với dáng vẻ mạnh mẽ, hùng dũng, uy nghi ngút trời làm ai trong đoàn cũng choáng ngợp. Ngắm nhìn tượng đài, lòng tôi trào dâng cảm xúc tự hào mãnh liệt
Rời đền Gióng, gia đình tôi nhanh chóng hòa mình vào lễ hội Đền Gióng, nghe nói lễ hội chỉ diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Người người đổ về rất đông. Đoàn tôi được xem trọn nghi lễ dâng hoa tre và chém tướng giặc. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Thú vị nhất là nghi lễ chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh). Nhiều du khách trầm trồ trước nghi lễ này, cả gia đình tôi ai cũng háo hức và thấy thực sự may mắn vì đã đến đây đúng dịp có lễ hội để được chứng kiến. Câu chuyện về nghi lễ này còn được ông nội, bố và các chú tôi bàn mãi cho tới tận khi đã ngồi trên xe trở về nhà.
Một ngày trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc đã đến giờ gia đình tôi khởi hành về lại nhà sau chuyến tham quan thú vị và bổ ích. Chuyến đi đã để lại trong lòng mỗi người nhiều cảm xúc, đó không chỉ là chuyến đi để gắn kết tình cảm gia đình dịp Tết đến xuân sang hay là một chuyến đi cầu may mắn, bình an mà ở chuyến đi này, tôi và những thành viên trong đã hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay.
Chia tay với khu di tích Đền Gióng, lòng tôi bồi hồi nhớ về một thời quá khứ, tự hào về những gì mà cha ông đã tạo dựng lên. Khu di tích thực sự trở thành một điểm đến thú vị cho khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với những người mong muốn tìm về với những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Xe đã chạy xa mà tôi còn ngoái đầu nhìn lại những tượng, đền khuất dần, khuất dần sau những rặng cây. Tôi mong sẽ có dịp quay lại khu di tích này vào một ngày gần nhất.
Xem thêm các bài văn mẫu 8 Chân trời sáng tạo hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 8 hay khác: